Nhận xét của báo Le Figaro Pháp:
Phụ trang văn học của báo Le Figaro chú ý đến tác phẩm mới nhất của nhà văn Dương Thu Hương, Đỉnh cao chói lọi, với cái tên tiếng Pháp là Au Zenith, nhà xuất bản Sabine Wespieser
Một ông cụ già nhìn lại cuộc đời với nhiều vinh nhục. Ông cụ ấy dưới ngòi bút Dương Thu Hương là ông Hồ Chí Minh. Đỉnh cao chói lọi mở đầu bằng những kỷ niệm và tiếc nuối. Một người đã vượt qua nhiều thách thức của định mệnh, từng bước leo lên đến đỉnh cao quyền lực, nhưng khi ngoảnh lại, tuổi già chỉ có cô đơn.
Tác giả bài báo viết : « hình ảnh ông cụ già qua nhân vật Chủ tịch của nhà văn Việt Nam xuyên suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm ; lúc nào cũng đơn độc, xa cách với cái thế giới đang bao quanh ông (...). Sự cô đơn, trống vắng thể hiện thất bại và thành công của nhân vật chính trong truyện.
Sự thật bao giờ cũng trần trụi, không cần phải che đậy. Đấy là sự thật về một con người - trong tiểu thuyết là ông Hồ Chí Minh - sự thật về một chế độ cộng sản độc tài ; sự thật về một mối tình với một người vợ trẻ mà ông Chủ tịch không đủ sức bảo vệ lấy hạnh phúc ; sự thật về bất lực của ông trước một cuộc chiến.
Nhân vật của Dương Thu Hương đang lật lại từng trang sách trong cuộc đời mà ông chỉ nhận thấy phần chua chát : đồng bào ông vẫn đau khổ, vẫn chân đất đi ra đồng. Những người tự xưng là đồng chí của ông đã sát hại người vợ trẻ ông hằng thương yêu.
Còn đâu bầu nhiệt huyết của thủa thiếu thời, của những ngày một cậu thanh niên Việt Nam xây mộng dưới vòm trời Paris ? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời một ông lão đang bị giam lỏng ? Tại sao có thể hy sinh bấy nhiêu sinh mạng và của cải để rồi dẫn đến kết quả ghê gớm như thế này ?
Le Figaro nhận thấy là tài năng của Dương Thu Hương vẫn nguyên vẹn từ sau cuốn tiểu thuyết Chốn Vắng.
Bà « thuộc tầng lớp của những nhà văn lớn, họ yêu thương đồng bào và nỗi khổ đau của dân tộc. Nếu tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi của bà là một bức tranh thêu thì phải nói là Dương Thu Hương đã mượn thời gian làm chỉ. Bà đã tô điểm cho bức tranh ấy bằng màu sác của những phong cảnh chỉ còn thuộc về quá khứ ; bằng màu đỏ của máu, của sự hy sinh và cũng là màu của quyền lực của chiến thắng (…) bà vẩy lên tấm tranh đó những giọt nước mắt của con người, bất luận đấy là những kẻ thế lực hay bần hàn.
Đỉnh cao chói lọi làm cho người đọc phải suy nghĩ về những hành động chính trị, về nhứng lý tưởng và nhất là về trăn trở của con người vào tuổi xế chiều » (hết)
Trích đoạn cuối:
"Chủ tịch từ trần đúng ngày Quốc Khánh, mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu. Lũ đàn em thù nghịch tuy chẳng thông kim bác cổ nhưng cũng hiểu được sự trùng lặp này mang tính nguyền rủa và sẽ dẫn đến đòn trừng phạt không tránh được của định mệnh đối với thể chế nên chúng lừa dối mọi người bằng cách tuyên bố rằng ông ra đi vào ngày mồng ba.
Từ lúc ông nhắm mắt, một tuần liền, mưa như thác đổ. Nước trắng xoá đất lẫn trời. Sông Hồng cuồn cuộn lũ dâng, chưa bao giờ có lũ lớn như vậy vào mùa thu, bởi khi sen tàn, cỏ ngả màu chanh là lúc các dòng sông phải thu mình và các con hồ phải lắng trong để nhìn thấu rong rêu nơi đáy nước. Vậy mà lúc đó, sông Hồng đỏ ngầu bọt, réo ào ào, hung dữ như đang mùa giông bão. Khắp Hà nội, nước mưa không tiêu kịp dềnh lên các vỉa hè, tràn vào thềm nhà, xoáy ồ ồ trên các vũng lội hình thành nơi ngã ba, ngã tư đường phố. Từ thủ đô cho đến các thành phố đồng bằng cũng như miền núi, dân chúng đứng túm tụm dưới chân các cây cột đèn, nghe loa phóng thanh tường thuật tang lễ. Thành phố cũng như thôn quê, người ta khóc như có một cuộc tàn sát tập thể vừa xảy ra trên xứ sở này...." (ngưng trích)
Lời tác giả:
Tôi vốn không đủ khả năng sáng tác hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng. Mọi cuốn sách tôi viết đều xây dựng trên một câu chuyện thực. Dẫu vậy, vẫn cần nhắc lại một cách nghiêm cẩn rằng tiểu thuyết là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không phải tự truyện hoặc sự lắp ghép một chuỗi tiểu sử của các nhân vật.
Như mọi cuốn đã in, "Đỉnh cao chói lọi" trung thành với nguyên tắc ấy. Nhưng, để tránh mọi hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa với trường hợp đặc biệt này: Nhân vật Trần Vũ và các nhân vật liên đới với ông. Để lấy cảm hứng xây dựng nhân vật Trần Vũ, tôi đã mượn hình mẫu ông Vũ Kì, nguyên giám đốc bảo tàng Hồ chí Minh. Nhưng ngược lại, nhân vật Tố Vân hoàn toàn không dính líu tới phu nhân Vũ Kì cũng như gia đình bà. Đây là sự lắp ghép giữa hình mẫu nam với một hình mẫu nữ khác, không xa môi trường quan chức cao cấp Việt nam thời đó bao lăm. Sự lắp ghép này là một trong những ngón nghề cổ lỗ của các tiểu thuyết gia mọi thời đại. Không có một biệt đãi nào dành cho riêng tôi.
Trên thực tế, tôi không hân hạnh quen biết ông Vũ Kì, bởi không có ý định khép mình trong triều đình cộng sản. Thêm nữa, vì dị ứng trầm trọng với mọi lề thức nhiêu khê và quan dạng trong môi trường này nên tuy thâm tâm ngổn ngang những tò mò lẫn niềm cảm mến tôi cũng khó lòng tự cưỡng để tìm cách gặp ông. Chỉ đến khi nghe tin ông ốm yếu, tôi mới trộn mình vào đám sai nha để nhìn mặt ông, dù là nhìn từ xa. Đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng. Năm sau ông qua đời.
Đối với tôi, ông Vũ Kì là một trong số vô cùng ít ỏi những người còn giữ được tinh thần nghĩa hiệp, lòng chung thuỷ giữa thầy trò và bằng hữu; những đức tính vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt mà trong nửa thế kỉ thống trị, chế độ cộng sản đã tàn hoại một cách thành công.
Phu nhân Vũ Kì cũng như gia đình bà có đầy đủ quyền tự hào vì có một người chồng, người cha, người ông như thế.
Dạo trước DTH xem ra cũng được lắm, nhưng sau này bà ta đã bán đứng cả dân tộc bằng cách viết bài cho đám BBC, RFA để bêu xấu và chống lại VN
RépondreSupprimerBà ấy chống Đảng CS chứ đâu có chống nước VN
RépondreSupprimer